Tiến tới nêu rõ tiêu chí cho trang trại trước khi tiêm vacxin DTLCP
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi và gợi ý Cục trưởng Nguyễn Văn Long một số việc cần làm trước ngày công bố vacxin.
Giám sát chặt chẽ
Từ đầu tháng 12/2022, trang trại của anh Nguyễn Văn Nhận, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội bắt đầu tiêm vacxin Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất. Theo anh Nhận, từ sau thời điểm tiêm đến nay, lợn khỏe mạnh, phát triển tốt, không có biểu hiện lạ.
"Trang trại của tôi có tổng khoảng 2.200 con lợn. Mỗi lần tiêm, cán bộ kỹ thuật đều hướng dẫn phải tiêm hết số lợn trong một chuồng. Mỗi con lợn được tiêm một mũi và suốt quá trình tiêm không được phép tiêm chung. Trong 3 ngày đầu sau tiêm, tôi theo dõi chặt chẽ và thấy tốc độ ăn, cũng như khả năng sinh trưởng của đàn bình thường. Tôi đã chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt và điện giải để sử dụng khi cần thiết. Mọi việc nói chung diễn biến thuận lợi. Qua đây, tôi mong muốn chính quyền các cấp sớm ban hành và đưa vacxin DTLCP xuống cho bà con chăn nuôi như tôi để phòng chống dịch bệnh", anh Nhận nói.
Nằm trong chuỗi trang trại gia công của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cơ sở của anh Nhận thực hiện đầy đủ các quy trình an toàn sinh học. Khi ra vào trang trại, mọi người phải tắm 2 lần, phun khử khuẩn, đeo găng tay và mặc đầy đủ quần áo bảo hộ. Hệ thống chuồng trại được xây biệt lập với khu dân cư. Phân, nước thải của trang trại được xử lý khép kín, không gây mùi ra bên ngoài.
Anh Nguyễn Văn Nhận, chủ trang trại lợn tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đến ngày đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến xuống thăm vào chiều 4/2/2023, khoảng 2.000 lợn trong trại của anh Nhận đã được tiêm vacxin AVAC ASF LIVE. Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trang trại tiêm mới một loạt nữa cho đàn lợn thịt.
Toàn bộ quá trình tiêm tuân thủ chặt chẽ quy trình do phía công ty sản xuất AVAC khuyến cáo như: vacxin được pha và bổ sung chất chỉ thị màu để phân biệt lợn sau tiêm có bị trào vacxin hay không, toàn bộ vỏ chai sau tiêm được ngâm thuốc sát trùng...
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý và đơn vị sản xuất (Công ty AVAC), Công ty C.P. cũng thực hiện giám sát việc tiêm vacxin rất chặt chẽ. Ông Tuấn cho rằng, đây là cách để "đánh giá thực chất nhất hiệu quả sử dụng của vacxin".
Thuộc chương trình khảo nghiệm trên diện hẹp vacxin AVAC ASF LIVE, trước khi dự kiến công bố trong tháng 2/2023, công ty C.P. đã nhập khoảng 600.000 liều vacxin từ cuối năm 2022 để sử dụng cho 545 trang trại công ty. Qua giám sát trên số lợn đã tiêm, khoảng 94% số lợn được lấy mẫu máu sau 28 ngày được tiêm vacxin có xuất hiện kháng thể; không phát hiện virus vacxin trong mẫu phân và nước bọt của lợn sau tiêm vacxin 14 ngày.
Vacxin AVAC ASF LIVE là vacxin nhược độc đông khô. Virus vacxin được nhược độc hóa bằng phương pháp cắt bỏ gen độc và nuôi trên môi trường trên tế bào dòng DMAC do Công ty AVAC tự phát triển. Loại vacxin này được khuyến cáo sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, và không sử dụng cho lợn sinh sản (hậu bị, nái và đực giống). Từ ngày thứ 14, lợn được tiêm vacxin sẽ xuất hiện kháng thể. Thời gian bảo hộ kéo dài khoảng 4 tháng.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT giám sát chặt chẽ quá trình tiêm.
Hoàn thiện hơn nữa các quy trình
Vui mừng trước những kết quả đạt được tại trang trại gia công, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tái khẳng định quyết tâm của toàn ngành trong việc sản xuất vacxin DTLCP.
"Đây là một công trình khoa học được thực hiện bài bản, dựa trên phương pháp hiện đại, với các bộ chỉ tiêu được thông qua bởi Hội đồng khoa học của ngành và Hội đồng khoa học của Bộ NN-PTNT. Trước khi cho phép lưu hành, Bộ NN-PTNT giữ quan điểm phải kiểm nghiệm, khảo nghiệm chặt chẽ và xin ý kiến các bên liên quan một cách nghiêm túc", Thứ trưởng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng, cho đến nay vacxin AVAC ASF LIVE đã qua 3 vòng "kiểm tra": ở công ty sản xuất, ở trung tâm kiểm nghiệm của Cục Thú y, và sử dụng trên diện hẹp tại một số trang trại. Kết quả trùng khớp giữa nghiên cứu và thực tiễn phản ánh vacxin hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Đây là một thông tin rất tốt đối với bà con nông dân, bởi tỷ lệ chết của lợn khi nhiễm DTLCP gần như là 100%.
Việc giám sát tiêm vacxin tại các trang trại gia công như của anh Nhận, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, là hết sức cần thiết. Bởi điều kiện tại đây khá sát thực tế, giúp quá trình khảo nghiệm có nhiều tính ứng dụng khi triển khai trên diện rộng và sử dụng đại trà.
Nếu vượt qua quá trình khảo nghiệm này, vacxin AVAC ASF LIVE sẽ được Bộ NN-PTNT đồng ý cho lưu hành trong sản xuất ở mức độ rộng rãi hơn, nhằm tiến tới đáp ứng được nhu cầu cho tổng đàn lớn gần 30 triệu con của nước ta.
"Vacxin giống như lá chắn phòng bệnh cho vật nuôi. Sản xuất thành công vacxin DTLCP chắc chắn sẽ tăng tốc độ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vào những năm tới, góp phần giúp toàn ngành nông nghiệp thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 về tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quan sát tỉ mỉ biểu hiện của đàn vật nuôi sau tiêm vacxin.
Tại Việt Nam, xu hướng tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, con số này hiện vào khoảng 3,7 tỉ USD. Khi tham gia theo mô hình này, các trang trại sẽ hình thành chuỗi khép kín, từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, môi trường nuôi, cho đến giết mổ, chế biến và phân phối thị trường. Cùng với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các loại vacxin (trong đó có vacxin DTLCP) sẽ cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng thịt, trứng, sữa của ngành chăn nuôi.
Thứ trưởng cũng lưu ý về vấn đề hỗ trợ về kỹ thuật. Ông cho rằng hai công ty AVAC và C.P đã khảo nghiệm có hiệu quả nhờ cán bộ kỹ thuật trực tiếp "cầm tay chỉ việc" tại các trang trại, kể cả trang trại gia công. Do đó, nếu sử dụng ngoài thực tế, hệ thống thú y, nhất là thú y cơ sở cần sâu, sát với người dân.
"Chúng ta phải thực hiện đồng bộ giải pháp, từ ban hành văn bản hướng dẫn, hệ thống thú y tăng cường giám sát việc tiêm phòng, cho đến nêu rõ các tiêu chí với từng trang trại trước khi tiến hành tiêm. Dù thành công bước đầu, vacxin DTLCP vẫn còn tương đối mới với người dân và cộng đồng quốc tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Cục Thú y sẽ tiến hành rà soát lần nữa sau khi hơn 600.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE được sử dụng tại hệ thống 545 trang trại của công ty C.P. và 13 nông hộ nhỏ lẻ tại Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Đồng Tháp, An Giang.
"Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để người chăn nuôi hiểu rõ, làm đúng và làm chính xác theo khuyến cáo của nhà sản xuất như chỉ tiêm cho lợn thịt khỏe mạnh, hay đảm bảo yếu tố dịch tễ cho đàn trước khi tiêm", ông Long nói.
Dựa trên quá trình khảo nghiệm, Cục trưởng Cục Thú y nhận xét, trước, trong và sau khi tiêm, đàn lợn cần có sự giám sát, theo dõi lâm sàng và tổ chức lấy mẫu để có hướng xử lý kịp thời.
Theo: Bảo Thắng - nongnghiep.vn
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi
- Tín hiệu tích cực khi sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi
- Hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố vacxin Dịch tả lợn Châu Phi
- Kiểm tra tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi
- Tiêm thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi
- Việt Nam sẽ có vaccine phòng tả lợn châu Phi trong năm 2022
- TRUNG TÂM CHẨN ĐOÁN - XÉT NGHIỆM THÚ Y THEO TIÊU CHUẨN ISO 17025:2017
- Công ty TNHH MTV AVAC VIỆT NAM tham dự triển lãm kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Thú Y (11.07.1950 – 11.07.2020)
- AVAC – NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH CHO LỄ KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THÚ Y VIỆT NAM (11/07/1950 – 11/07/2020)
- Hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Dịch tả lợn Châu Phi