Đẩy mạnh tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi ngay từ đầu 2024

Địa phương có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn lực, lập các đoàn kiểm tra, đánh giá để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) theo tinh thần Chỉ thị 29.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (trái), Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (phải) kiểm tra quá trình tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Bảo Thắng.


Lưu hành rộng rãi nửa năm nhưng có nơi vẫn nghi ngờ

Từ tháng 11/2019, các nhà khoa học Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L. Đây là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh. Ngay trong tháng này, Bộ NN-PTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Hoa Kỳ để phối hợp nghiên cứu, sản xuất vacxin.

Việc nghiên cứu, sản xuất vacxin chính thức được thực hiện từ tháng 2/2020, với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Đến tháng 7/2020, Bộ NN-PTNT chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vacxin. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn thú y của Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất thành công loại vacxin này.

Tính đến hiện tại, 2 loại vacxin là NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco và AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y. Đây là những vacxin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh hơn 100 năm qua chưa có vacxin thương mại trong phòng bệnh DTLCP nào được cấp phép trên thế giới.

Trên cơ sở đó, ngày 24/7/2023, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vacxin DTLCP, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tiêm thử nghiệm trên diện rộng, tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và cho kết quả tích cực.

Theo thống kê của Cục Thú y, từ thời điểm đó đến nay, khoảng trên 600.000 liều vacxin DTLCP đã được người dân và các doanh nghiệp đã sử dụng. Ngoài ra, khoảng 2 triệu liều vacxin đã được các địa phương lên kế hoạch tổ chức đấu thầu mua sắm cho giai đoạn những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

“Tuy vậy, so với tổng đàn lợn thịt (mỗi năm Việt Nam xuất chuồng khoảng 50 triệu con), số lượng tiêm như thế còn rất hạn chế. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại còn hạn chế như vậy”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trăn trở.

Tiêm vacxin Dịch tả lợn châu Phi tại một cơ sở chăn nuôi ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Một trong những nguyên nhân được ông Long chỉ ra, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, thậm chí là thú y cơ sở còn rất hạn chế. Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, trong những lần đi kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP tại cơ sở, được bà con và nhân viên thú y cơ sở phản ánh là “chưa biết có vacxin”, hoặc “nghĩ rằng còn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá”. Nhìn chung, tâm lý của người chăn nuôi còn e dè, băn khoăn vì vacxin mới đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023, lại còn mới trên thế giới.

Để khắc phục, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp cung ứng vacxin tăng cường thông tin, tuyên truyền về sản phẩm vacxin. Cùng với đó, Bộ đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo địa phương để người dân nắm được tình hình, cũng như giao trách nhiệm lực lượng thú y ở cơ sở để chủ động triển khai.

Gần nhất, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Chỉ thị nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vacxin trên đàn lợn thịt.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP và tiêm vacxin.


Tranh thủ hướng dẫn cả lúc họp trực tuyến

Chia sẻ những tâm tư của người chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long hứa, sẽ phối hợp 2 doanh nghiệp cung ứng vacxin DTLCP tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra, giám sát tại địa phương, kết hợp hướng dẫn, thông tin về vacxin mới ở cấp cơ sở.

Ông cho rằng, các bên liên quan cần công khai, minh bạch, chia sẻ rõ ràng quá trình của Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu với phía Hoa Kỳ như thế nào để tổ chức nghiên cứu, đồng thời phổ biến sâu rộng tới địa phương thông tin: Sau hơn 600.000 liều sử dụng kể từ ngày 24/7, 100 % đàn lợn không gặp vấn đề gì, tỷ lệ đáp ứng miễn dịch trên đàn lợn tiêm đạt 95 % và an toàn tuyệt đối.

“Chúng ta cần phải cung cấp nhiều hơn số liệu, hình ảnh… để người dân và địa phương yên tâm sử dụng vacxin này. Về phía Cục Thú y, chúng tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn, kể cả khi họp trực tuyến. Hễ có thắc mắc gì, chúng tôi đều ưu tiên giải đáp để anh em cơ sở có hướng triển khai”, ông Long bày tỏ.  


Trên đàn lợn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi được xem là nguy hiểm nhất, khiến người chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Phương Chi.

Do triển khai vào nửa cuối năm Dương lịch, khi kế hoạch mua sắm, đấu thầu, sử dụng vacxin hỗ trợ người chăn nuôi đã được địa phương tính toán xong, lại chưa nằm trong danh mục các bệnh bắt buộc bằng tiêm phòng, nên vacxin DTLCP triển khai bị chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Trong Chỉ thị số 29 của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu rõ với địa phương, là trong cuối năm 2023 và chậm nhất là đầu năm 2024, phải xây dựng, bổ sung nội dung tiêm phòng vacxin DTLCP trên đàn lợn thịt.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch phối hợp các tổ chức quốc tế cũng như các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc trong việc sử dụng rộng rãi vacxin, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống và kiểm soát chặt chẽ bệnh DTLCP.

Dự kiến, vào tháng 1/2024, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, xác nhận tỷ lệ đáp ứng miễn dịch và bảo hộ trên đàn vật nuôi có đúng hay không. Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhìn nhận, việc mời các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học có uy tín và chuyên môn hàng đầu thế giới đến Việt Nam đánh giá thực tế cũng là một cách tuyên truyền hữu hiệu đến người dân.

“OIE cũng như phía Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển vacxin để có thể sử dụng trên cả lợn nái và lợn giống. Có như vậy, chúng ta mới có thể yên tâm, rằng vacxin đã được sử dụng rộng rãi, thay vì tiêm trên nhóm đối tượng lợn thịt, lợn thương phẩm như hiện tại chỉ kéo dài khoảng 3-4 tháng nên phạm vi sử dụng tương đối hạn chế”, ông Long phân tích.

Trong năm 2023, cả nước xảy ra 714 ổ bệnh DTLCP tại 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 34.551 con lợn. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch giảm hơn 49%, số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 48%. Tính đến tuần trung tuần 12/2023, vẫn còn 110 xã thuộc 25 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Giám sát virus DTLCP được thực hiện theo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP trong năm 2023 đã thực hiện tại 16 tỉnh với tổng số mẫu là 930 mẫu và có 107 mẫu dương tính chiếm 11,5%. Trong đó, tỷ lệ cao nhất tại tỉnh Lào Cai (32%), Đồng Nai (25%) và Thừa Thiên Huế (20%).

    Theo thống kê của Cục Thú y, số lượng vacxin DTLCP đã sản xuất của đến nay là 4,5 triệu liều. Số lượng vacxin cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành và sau khi Bộ có công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7 là hơn 1,5 triệu liều. Ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, 300.000 liều vacxin DTLCP đã được xuất khẩu sang Philippines. Đồng thời, lực lượng thú y đã bố trí lực lượng để phối hợp các quốc gia trong việc chuyển giao, tư vấn và tiêm phòng loại vacxin mới này.

    Ngày 22/10, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, các đối tác từ 5 quốc gia Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar Ấn Độ đã đến TP. Hạ Long để ký kế hợp đồng mua vacxin DTLCP. Tại sự kiện, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, vacxin đối với ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới đóng vai trò hết sức quan trọng, không những đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mà còn góp phần xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững.

Theo: https://nongnghiep.vn

Thiết kế 2022 © Công ty Cổ Phần AVAC Việt Nam

+84926865686