Chăn nuôi quay cuồng thoát vòng xoáy dịch bệnh

Cục Chăn nuôi cho rằng, với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các tín hiệu của thị trường sẽ giúp cho ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển.


Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Ảnh: MS.


Tổng đàn lợn dần hồi phục

   Theo Cục Chăn nuôi, trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%. Đây là xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

   Tính đến tháng 10/2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn đang gặp nhiều hạn chế và khó khăn, đặc biệt trong 10 tháng năm 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi có biến động lớn khiến tổng đàn lợn đã thay đổi, nhất là từ khi gặp dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã khiến cho tổng đàn lợn bị giảm xuống, nhưng giá lại không có nhiều biến động.

   Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, thực tế trong vài năm qua, việc phân bố đàn lợn ở các vùng sinh thái đang chịu tác động của dịch tả lợn Châu Phi và có xu hướng giảm đàn. Tuy nhiên, ở những vùng có tiềm năng, lợi thế về đất đai, hay đảm bảo vấn đề an toàn sinh học như Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL thì vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên.

   Theo ông Đăng, Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi, hiện đang được xếp ở top 1 trong 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất khu vực. Đặc biệt, có hệ thống phân phối khá đa dạng đến tận các vùng sâu, xa có nhu cầu. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là bất lợi, vì quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, cùng với hệ thống giết mổ không đồng bộ, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh.

   Các chuyên gia phân tích, hiện thị trường nội địa vẫn luôn có nhu cầu rất lớn với 100 triệu dân, nhất là nhu cầu của thị trường trong những tháng cuối năm càng tăng cao, năng lực sản xuất trong nước đang đáp ứng được khoảng 95%, còn lại nhập khẩu.

   Ngành chăn nuôi cũng đang tiếp tục xây dựng nghị định, kế hoạch nâng cao hiệu quả chăn nuôi, để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 12 năm 2023. Chính vì nhận thấy có thị trường lớn với 100 triệu dân và những tiềm năng trong chăn nuôi cho nên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của các nước đang đến đầu tư vào Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển sang đầu tư vào chăn nuôi gia súc gia cầm.

   Tính đến tháng 10/2023, tổng đàn lợn đang dần hồi phục đạt khoảng 30 triệu con. Đây là kết quả khả quan sau khi ngành chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019. Cơ cấu nguồn cung cũng được cải thiện từ các doanh nghiệp, các trang trại lớn có sự đầu tư bài bản.


Từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tổng đàn lợn bị giảm xuống, nhưng giá thực phẩm lại không có nhiều biến động. Ảnh: MS.


Người chăn nuôi gặp khó do thị trường biến chuyển

   Ngành chăn nuôi lợn tuy có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi luôn tăng... phi mã. Đây chính là thách thức lớn đối với người nuôi và các doanh nghiệp trong ngành.

   Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, ở “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai, tình hình dịch bệnh đang đe dọa đến hầu hết các trang trại, nông hộ chăn nuôi. Thậm chí, kể cả những công ty, tập đoàn lớn đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học cũng bị phá vỡ vì dịch tả heo châu Phi tấn công.

   Do đó, khiến người chăn nuôi buộc phải bán sớm heo với giá rẻ để “giải thoát” đàn, tránh thiệt hại nặng. “Chúng tôi theo dõi về dịch bệnh này, nhất là vào những tháng cuối năm, khi thay đổi thời tiết khiến dịch tả Châu Phi càng rộ lên rất mạnh, nếu không tiêm vacxin chắc chắn dịch bệnh sẽ luôn đe dọa.

   Vacxin chính là “cái phao” để giúp cho người chăn nuôi có thể bảo vệ được đàn heo của mình, đó cũng là hy vọng của bà con khi đầu tư vào chăn nuôi sẽ không bị mất vốn và có thể tiếp tục tái đàn trong thời gian tới”.

Vacxin vẫn đươc xem là “lá chắn thép” cứu đàn gia súc trong thời dịch bệnh bùng nổ. Ảnh: MV.

   Đồng Tháp cũng là địa phương đang tập trung phòng chống dịch trên tất cả các đàn vật nuôi. Hiện nay,  người nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả thị trường thức ăn tăng cao dẫn đến giá thành cao hơn giá bán.

   Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp xác nhận: “Tình hình chăn nuôi hiện nay đang biến chuyển, do dịch bệnh diễn biến phức tạp và thị trường giá bán thấp hơn giá thành khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, không dám đầu tư mở rộng quy mô, vì càng đầu tư càng lỗ. Do đó, tất cả đều phụ thuộc vào thị trường quyết định, nếu giá bán có lãi thì người chăn nuôi sẵn sàng đầu tư tái đàn và phát triển thêm”.

   Thực tế, ngành chăn nuôi trong nước cũng nhận thấy rằng, vấn đề áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh vẫn chưa triển khai đồng bộ. Đồng thời, giá thực phẩm, giá thịt lợn trên thị trường không thay đổi nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

   Theo Cục chăn nuôi, do phụ thuộc rất nhiều vào vật tư đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao cũng là thách thức đối với ngành chăn nuôi. Nhất là khi dịch bệnh nổ ra chi phí sản xuất càng đội lên do phải kiểm soát rất nhiều khâu, khiến cho giá thành sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam càng bị ảnh hưởng. Chưa kể khi Việt Nam thực hiện các cam kết hiệp định toàn cầu phải cạnh tranh với các nước trên thế giới thì đây cũng là thách thức lớn.

"Đến hết tháng 10/2023 đàn lợn tăng trưởng là 3,4%, đàn gia cầm tăng trưởng 2,9%, đàn bò thịt tăng trưởng 0,9%. Chăn nuôi vẫn có tốc độ tăng trưởng 5,93%, nghĩa là bằng hoặc thấp hơn một chút so với năm 2022. Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu thực phẩm cũng sẽ tăng lên từ 15 - 20%, để chủ động được nguồn cung thì trước hết ngành chăn nuôi và các địa phương cần phải có nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Giải pháp có thể là thuốc, có thể là an toàn sinh học, có thể là an toàn dịch bệnh, nhưng vacxin vẫn là “lá chắn thép” cứu đàn gia súc, gia cầm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo: https://nongnghiep.vn

 

Thiết kế 2022 © Công ty Cổ Phần AVAC Việt Nam

+84926865686